Blog

Mai K Đa - Vài nét về chủ nghĩa Xlavơ

Mai K Đa
Vài nét về chủ nghĩa Xlavơ

đã in trong "Nghiên cứu triết học ở Việt Nam - Những vấn đề lý luận"
Nxb Chính trị Quốc gia, 2016, trang 62-87.




Nguồn: Mai K Đa (2016), Vài nét về chủ nghĩa Xlavơ, trong "Nghiên cứu triết học ở Việt Nam - Những vấn đề lý luận", Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, trang 62-87.

            Vấn đề “phương Đông – phương Tây” là vấn đề hàng đầu, là chủ đề trung tâm trong triết học Nga. Vấn đề này đã được tích hợp vào mọi cuộc thảo luận triết học từ cách nay đã hai thế kỷ. Mục đích cơ bản của các cuộc thảo luận là nhằm xác định số phận dân tộc, tìm kiếm bản sắc của văn hóa Nga, vai trò và vị trí của Nga trong tiến trình lịch sử nhân loại. Trong bối cảnh những cuộc thảo luận về chủ đề này mà tư tưởng Nga đã được hình thành và phát triển. Một trong những cội nguồn tư tưởng quan trọng góp phần tạo nên tư tưởng Nga chính là tư tưởng của các nhà Slavơ đầu thế kỷ XIX. Đối lập với tư tưởng của chủ nghĩa phương Tây vốn muốn đưa nước Nga hướng về châu Âu, đi theo con đường khai sáng theo gương văn minh Tây Âu, các nhà Slavơ lại cho rằng, nước Nga không phải thuộc về phương Tây, nước Nga đi theo con đường độc đáo của riêng mình. Ở Việt Nam, các công trình nghiên cứu về tư tưởng triết học dân tộc Nga hiện rất ít. Trong bài viết này, chúng tôi muốn bước đầu giới thiệu đến độc giả những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Slavơ, một trào lưu tư tưởng Nga thế kỷ XIX.

1. Hoàn cảnh ra đời của chủ nghĩa Slavơ

            Thế kỷ XIX đã mở ra một giai đoạn phát triển mới trong lịch sử triết học Nga. Giai đoạn này được đánh dấu bởi sự hình thành và phát triển phức tạp của nhiều trào lưu triết học gắn liền với cả hai khuynh hướng: chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm. Vai trò của tư tưởng triết học nhà nghề ở thời kỳ này đã được phát triển, mà biểu hiện trước hết ở sự chú trọng tăng cường giáo dục triết học trong các trường đại học, các học viện thần học và sự tăng trưởng tri thức triết học rõ rệt và mạnh mẽ, đặc biệt trong các lĩnh vực nhân học, đạo đức học, triết học lịch sử, nhận thức luận và bản thể luận. Thời kỳ này cũng đã diễn ra sự mở rộng các mối liên hệ triết học với phương Tây, những thành tựu mới nhất của triết học phương Tây cũng đã được hấp thụ và nắm vững một cách thấu đáo.

            Sự mới lạ và độc đáo trong quan điểm của các nhà tư tưởng Nga giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIX không phải là sự mẫn cảm với quá trình tiếp nhận triết học Phương Tây, mà là sự tập trung chú ý vào các vấn đề của nước Nga, sự tự ý thức của dân tộc Nga. Giống như Chaadaev[1] - một người tôn thờ truyền thống Pháp, đã trở thành người sáng lập nền triết - sử của Nga, Nikolai Chernyshevsky[2] - một nhà Hegel học và Feuerbach học - đã trở thành người sáng lập ra học thuyết về sự quá độ của nước Nga đến chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Đây cũng là thời kỳ hình thành các khuynh hướng tư tưởng có ảnh hưởng nhất của thế kỷ XIX, không ngẫu nhiên mà thời kỳ này được gọi là thời kỳ “thức tỉnh triết học”[3] ở Nga - theo như Georges Florovsky[4].

            Năm 1823, Hội những người yêu thông thái[5] ra đời ở nước Nga. Họ nhìn thấy nhiệm vụ của mình là phải xây dựng một cơ sở thế giới quan cho nền văn hóa Nga, vạch trần sự suy đồi đạo đức của nền văn minh châu Âu, lên án thói vị kỷ, chủ nghĩa cá nhân và cổ vũ cho việc khẳng định tư tưởng của văn học và nghệ thuật dân tộc. Sự kiện 14/12/1825[6] của các nhà tháng Chạp đã đánh thức tất cả những người có lương tri, nhưng sự đánh thức này đã tách nhân dân và xã hội có học vấn[7] ra xa nhau. Đây là sự tuyệt giao đầy bi kịch giữa nước Nga dân tộc và nước Nga Âu hóa. Theo quan điểm của Alexander Herzen - “Một số có ý định rằng, không cần đạt tới một thành tựu gì cả, hãy đặt nước Nga trong sự lai kéo của châu Âu, họ không đặt những hy vọng của mình vào tương lai mà họ quay về với quá khứ. Một số khác nhìn thấy ở tương lai chỉ có sự bất hạnh, sự bần cùng, họ đã nguyền rủa nền văn minh quái thai và những dân tộc thờ ơ với tất cả mọi thứ. Nỗi buồn sâu sắc đã thực sự xâm chiếm tâm hồn của tất cả những con người biết suy nghĩ”[8]. Hai hệ tư tưởng đã được sinh ra như thế, chúng đã cùng lúc cố gắng tìm kiếm lối thoát khỏi tình trạng hiện tại, nhưng bằng những con đường khác nhau: chủ nghĩa Slavơ và chủ nghĩa phương Tây.

            Nếu những người theo chủ nghĩa phương Tây thừa nhận sự thống nhất trong tiến trình phát triển của toàn nhân loại, - họ là những người tiến bộ, những nhà duy lý, - khẳng định nước Nga nhất thiết phải đi qua con đường lịch sử mà các dân tộc Tây Âu đã đi qua, thì những người Slavơ lại muốn dựa trên sự phát triển tự thân của nước Nga, mà ở vị trí đầu tiên trong sự phát triển đó là sự đa dạng tôn giáo - lịch sử và dân tộc của nước Nga. Cả hai luồng tư tưởng này đều cùng chung cảm xúc không thỏa mãn với hệ thống đang tồn tại và tất cả các tư tưởng của họ đều nhằm tìm cho ra con đường có thể chỉnh sửa tình trạng bất bình thường hiện tại của nước Nga thế kỷ XIX.

2. Các đại biểu chính của chủ nghĩa Slavơ

            Sự xuất hiện học thuyết của các nhà Slavơ[9] là hiện tượng hợp quy luật trong sự phát triển của tâm trạng triết học Nga vốn đã manh nha suốt thế kỷ XVIII. Tâm trạng này hướng vào việc tìm kiếm một sự thay thế cho triết học khai sáng Pháp và định hướng tư tưởng Nga vào triết học Đức đương thời, đặc biệt là triết học của Schelling và Hegel. Nhưng được truyền bá vào nước Nga càng rộng rãi bao nhiêu, thì siêu hình học Đức càng lộ rõ bấy nhiêu sự bất lực trong việc giải quyết các vấn đề, các nhiệm vụ đặc thù của dân tộc Nga, và càng chứng tỏ không thể dựa vào nền tảng của các học thuyết phương Tây. Hơn nữa, trong thời gian trị vì chuyên chế và độc đoán của Sa hoàng Nicolai đệ nhất, xã hội Nga đã bước vào giai đoạn phát triển tự ý thức dân tộc. Tinh thần dân tộc đã cất cánh mãnh liệt từ những vần thơ của Puskin, Lermontov[10] và những áng văn của Gogol[11], và không chỉ diễn ra trong lĩnh vực văn chương, mà cả ở triết học.

            Trung tâm của Chủ nghĩa Slavơ nằm ở Moscow và những môn đồ của nó chính là các sinh viên tốt nghiệp Đại học Moscow và giới trí thức quý tộc trẻ. Aleksey Khomyakov[12] và Ivan Kireyevsky[13] là những người sáng lập phong trào tư tưởng triết học, chính trị - xã hội Nga mới này, tham gia vào nó còn có Yuri Samarin[14], anh em nhà Aksakov[15], Alexander Koshelev[16]... Những người này đã tự gọi mình là những người theo “khuynh hướng Moscow” (đối lập với khuynh hướng Petersburg). Còn trên văn đàn họ được gọi là “Các nhà Slavơ”. Tên gọi này đã có chỗ đứng trong các cuộc tranh luận trên các tạp chí vào những năm 40 của thế kỷ XIX, và từ các cuộc tranh luận đó, nó đã được xã hội biết đến một cách rộng rãi.

            Các nhà Slavơ không phải là các nhà triết học mang tính “trường phái” có sự liên hệ với một truyền thống xác định nào đó. Do vậy, để diễn giải một cách chính xác các quan điểm triết học của phong trào này cần phải thấy rằng, giữa họ có sự “phân công lao động” khá rõ ràng: Ivan Kireyevsky nghiên cứu những vấn đề triết học, Aleksey Khomyakov nghiên cứu thần học và triết học lịch sử, Yuri Samarin - những vấn đề nông dân, Konstantin Aksakov[17] - những vấn đề về đặc tính triết học - xã hội... Các tư tưởng triết học của chủ nghĩa Slavơ chủ yếu được trình bày trong các tác phẩm của Ivan Kireyevsky Aleksey Khomyakov.

3. Nội dung chính của tư tưởng triết học chủ nghĩa Slavơ

            Các nhà Slavơ đã cố gắng xác định nhiệm vụ thấu hiểu thế giới, thấu hiểu đời sống của các dân tộc Slavơ, họ không chấp nhận quan điểm hướng suy nghĩ về lối sống châu Âu và cũng không chấp nhận quan điểm hướng về Kitô giáo phi chính thống. Những nỗ lực của các nhà Slavơ đều hướng vào việc phát triển thế giới quan Kitô giáo dựa vào Chính thống giáo trong một hình thức đặc thù, và hình thức này sẽ do chính dân tộc Nga đưa ra. Khi lý tưởng hóa quá khứ của nước Nga và đánh giá cao những đặc thù của văn hóa Nga, các nhà Slavơ khẳng định rằng, đời sống chính trị và xã hội Nga đã và sẽ được phát triển bằng con đường đặc biệt của mình, khác với con đường phát triển của các dân tộc phương Tây, thế giới Slavơ phải được hồi sinh bằng chính những khởi nguyên kinh tế, những nguyên tắc đời sống, đạo đức và tôn giáo của mình.

            Những môn đồ của chủ nghĩa Slavơ thống nhất với nhau rằng, nước Nga phải có nhiệm vụ đặt những cơ sở của khai sáng châu Âu mới dựa trên những nguyên tắc Kitô giáo chân chính và những cơ sở đó phải được bảo vệ trong lòng của Chính thống giáo. Chỉ có Chính thống giáo, theo quan điểm của họ, mới làm bộc lộ hết những nhân tố tự do tinh thần và xu hướng sáng tạo vì chủ nghĩa duy lý và sự thống trị của các lợi ích vật chất hơn các lợi ích tinh thần trong xã hội Tây Âu chỉ dẫn tới sự phân mảnh, chủ nghĩa cá nhân, sự rời rạc của tâm hồn. Từ đó, các nhà Slavơ cho rằng nước Nga sẽ bồi dưỡng châu Âu bằng tinh thần của Chính thống giáo và các lý tưởng của xã hội Nga, và cũng có thể giúp đỡ châu Âu giải quyết những vấn đề chính trị bên trong và bên ngoài phù hợp với các nguyên tắc Kitô giáo.

            Chủ nghĩa Slavơ còn là một học thuyết tôn giáo sâu sắc, xem giáo hội và niềm tin là cơ sở, nền tảng cho tất cả các thực tại lịch sử - xã hội khác. Các nhà Slavơ cho rằng, niềm tin là “giới hạn cuối cùng” của tri thức con người, giới hạn này xác định mọi khía cạnh của tư tưởng. Tôn giáo - không chỉ là một khởi điểm tạo nên quan niệm của mỗi cá nhân riêng rẽ, mà nó còn là một hạt nhân tinh thần ảnh hưởng đến đời sống xã hội nói chung và tiến trình lịch sử nói riêng. Triết học được họ luận giải như là một sự “vận động quá độ của lý tính con người từ lĩnh vực niềm tin đến lĩnh vực ứng dụng phong phú của tư duy đời sống”[18]. “Đời sống thực tiễn”[19] là một tiến trình, mà trong dòng chảy của nó, các nguyên tắc dần dần được hiện thực hóa, các nguyên tắc này chứa đựng các “nội dung trừu tượng”[20] vừa tầm với nhận thức triết học. Nhiệm vụ của triết học là ở chỗ, để thấu hiểu chúng trên cơ sở này, thì cần phải giải quyết một cách đúng đắn các vấn đề đã được đời sống đặt ra.

             “Tính toàn vẹn tinh thần” là khái niệm chìa khóa trong lý luận nhận thức của các nhà Slavơ. Không thể đạt được nhận thức chân lý nếu chỉ dựa vào những khả năng lý trí của con người. Theo Khomyakov, có thể đạt tới chân lý, tức tri thức toàn vẹn, khi nó là một hợp đề hữu cơ của kinh nghiệm cảm giác, của nhận thức lý tính và của trực giác thần bí. Các nhà Slavơ trong lý luận nhận thức đã đặc biệt chú trọng những khái niệm như ý chí, tình yêu. Chân lý, theo họ, không thể là sở hữu của một cá nhân riêng rẽ. Nó là “của chung” của tất cả những ai có khả năng nhận thức người, của những người đã tập hợp lại trong một thể thống nhất dựa trên nguyên tắc tự do và tình yêu.

            Những quan điểm của các đại biểu lớn của triết học Slavơ ít nhiều có chung ba đặc điểm sau[21]:

            + Thứ nhất, đây là học thuyết về tính toàn vẹn của tinh thần. Sự thống nhất hữu cơ không chỉ xuyên qua giáo hội, xã hội và con người, mà còn là một điều kiện thiết yếu của nhận thức, của giáo dục và của hoạt động thực tiễn của con người. Chủ nghĩa Slavơ phủ nhận khả năng đạt tới chân lý thông qua nhận thức của từng người riêng rẽ cho dù đó là cảm giác, lý trí hay niềm tin. Chỉ duy nhất tinh thần trong sự thống nhất hữu cơ của nó mới có khả năng chứa đựng chân lý một cách đầy đủ toàn vẹn, chỉ có sự kết nối tất cả các khả năng nhận thức mỹ học, cảm xúc, đạo đức và tôn giáo có sự tham gia bắt buộc của ý chí và tình yêu thì mới có thể mở ra khả năng nhận thức thế giới như vốn có, trong sự phát triển sống động của nó, chứ không phải trong hình thức của các khái niệm trừu tượng hay của cảm giác.

            Hơn nữa, một cá nhân riêng rẽ không thể đạt tới được sự hiểu biết chân chính, mà phải là một tổng hòa của những con người đã được gắn kết lại với nhau bởi một tình yêu duy nhất đạt tới được. Điều này có nghĩa là nhận thức mang “tính công đồng”[22]. Nguyên lý của “tính công đồng” trong triết học của chủ nghĩa Slavơ giống như một nguyên tắc siêu hình học chung của tồn tại, mặc dù tính công đồng trước tiên đặc trưng cho tập thể nhà thờ. Khái niệm “tính công đồng” đã có trong chủ nghĩa Slavơ một ý nghĩa rộng rãi. “Tính công đồng” - đó là một tập hợp - được đoàn kết lại bởi sức mạnh của tình yêu và được cuốn vào sự thống nhất của tự do mang tính hữu cơ. Đối lập với chủ nghĩa cá nhân, sự mất đoàn kết, “Tính công đồng” phủ nhận sự lệ thuộc vào uy tín, kể cả uy tín của tổng giám mục nhà thờ. Chỉ trong sự thống nhất mang “tính công đồng” này, cá nhân mới tìm thấy tính độc lập tinh thần chân chính của mình.

            + Thứ hai, các nhà Slavơ đã xem xét một cách căn bản sự đối lập của tự do bên trong và tính tất yếu bên ngoài. Tất cả các nhà Slavơ đều nêu bật vai trò hàng đầu của tự do được xuất phát từ niềm tin bên trong của con người và họ nhấn mạnh vai trò thụ động của những hạn chế bên ngoài trong hoạt động của con người, mối nguy hiểm do sự lệ thuộc của con người vào sự thống trị của các hoàn cảnh bên ngoài. Chủ nghĩa Slavơ đã cố gắng mang con người ra khỏi tầm ảnh hưởng của các sức mạnh bên ngoài, những sức mạnh đã áp đặt từ phía ngoài lên các nguyên tắc phẩm hạnh. Họ bênh vực cho phẩm hạnh được xác định hoàn toàn bởi những động cơ bên trong, - những động cơ xuất phát từ trái tim, động cơ tinh thần chứ không phải bởi những mối quan tâm vật chất, vì rằng, sự khai sáng chân chính và phẩm hạnh đã không bị khuất phục trước tính tất yếu bên ngoài và không biện minh cho nó. Con người phải được điều khiển bởi lương tâm của chính mình, chứ không phải bởi những định nghĩa lý tính mang tính trục lợi. Một cách công bằng, khi nhấn mạnh tính tất yếu của nguyên tắc lương tâm, các nhà Slavơ đồng thời cũng hạ thấp tính tất yếu của những kiểm soát mang tính pháp lý về phẩm hạnh của con người.

            + Đặc điểm thứ ba của thế giới quan chủ nghĩa Slavơ là tính tôn giáo. Các nhà Slavơ cho rằng, xét đến cuối cùng, niềm tin xác định sự chuyển động của lịch sử, và có thể là cả đạo đức lẫn tư duy. Cho nên tư tưởng niềm tin chân chính và tư tưởng giáo hội chân chính là cơ sở của tất cả các xây dựng triết học của họ. Các nhà Slavơ tin tưởng rằng, chỉ có thế giới quan Kitô giáo và nhà thờ Chính thống giáo mới có khả năng đưa nhân loại bước vào con đường cứu rỗi, rằng tất cả nỗi thống khổ và cái ác trong xã hội đều do nhân loại đi xa khỏi niềm tin chân chính và không xây dựng được một giáo hội chân chính. Tuy nhiên, các nhà Slavơ không đồng nhất hóa giáo hội Chính thống giáo Nga đang tồn tại trên thực tế ở nước Nga với giáo hội Chính thống giáo có khả năng trở thành một giáo hội thống nhất của tất cả các tín đồ. Những động lực Kitô giáo trong sự sáng tạo của chủ nghĩa Slavơ đã có sự ảnh hưởng to lớn tới sự phát triển của tư tưởng triết học - tôn giáo Nga sau này. Nhiều nhà lịch sử triết học đầu thế kỷ XX đã xem chủ nghĩa Slavơ như điểm khởi đầu của sự phát triển độc lập mang tính đặc thù của nền triết học Nga, nền triết học mà đã sản sinh ra hàng loạt các tư tưởng mới và đặc biệt của nước Nga, những tư tưởng mà trong triết học phương Tây đến thời kỳ trước các nhà Slavơ chưa từng được khai phá, và nếu đã được khai phá và nghiên cứu thì cũng không ở một mức độ hoàn thiện như thế.

            Những nhà Slavơ đã không phủ định những thành tựu đã đạt được của nền văn hóa Tây Âu. Họ đánh giá cao sự phồn hoa bên ngoài của đời sống Tây Âu và họ quan tâm đến nền khoa học của châu Âu với một sự kính trọng sâu sắc. Nhưng họ chống lại sự thống trị của chủ nghĩa cá nhân, sự mất đoàn kết, sự phân tán, rời rạc của thế giới tâm linh của con người, họ chống lại sự phụ thuộc của đời sống tinh thần vào các hoàn cảnh bên ngoài, sự thống trị của các lợi ích vật chất trên các lợi ích tinh thần. Họ cho rằng, tất cả những điều này là hệ quả của chủ nghĩa duy lý đã thống trị trong tư duy phương Tây do sự xa rời của Kitô giáo phương Tây, có nghĩa là sự rời bỏ của Công giáo khỏi tôn giáo Kitô nguyên thủy. Chính do Giáo hoàng La Mã đã mang vào niềm tin những tín điều mới. Kireyevsky[23] lập luận, “Ở đó đã diễn ra sự phân đôi đầu tiên của niềm tin, từ đó, thoạt đầu triết học kinh viện về niềm tin đã được phát triển, sau đó là cuộc cải cách tôn giáo trong niềm tin, và cuối cùng là triết học ngoài niềm tin. Các nhà duy lý đầu tiên là các nhà kinh viện, và con cháu của họ được gọi là những nhà Hegel học”[24]. Trong triết học của Hegel, các nhà Slavơ đã nhìn thấy đỉnh cao trong sự phát triển của chủ nghĩa duy lý phương Tây, họ xem đó như là sự phát triển cuối cùng của chủ nghĩa duy lý, và đồng thời cũng nhìn thấy những căn bệnh không thể chữa trị được của nó. Một trong những căn bệnh chính đó là - sự phá hủy giá trị của tinh thần con người, sự trừu tượng hóa tư duy logic, tư duy mà theo họ đã bị tách rời và đối lập với các khả năng nhận thức khác của con người.

4. Một số đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa Slavơ

4.1. Ivan Kireyevsky[25] (1806 - 1856)

            Điều gì tốt hơn? Nga hay phương Tây? Cái cũ hay cái mới? Những câu hỏi đó đã được Kireyevsky đưa ra trong bài báo: “Lời phúc đáp gửi Aleksey Khomyakov”[26] (1839). Đây cũng là điểm đánh dấu sự hình thành những quan điểm mang khuynh hướng Slavơ của Kireyevsky. Tư tưởng trước đó của ông về sự cần thiết phải tinh thông những di sản cổ đại giờ đây được diễn giải lại theo hướng hoàn toàn khác. Thế giới cổ điển là sự toàn thắng của trí tuệ hình thức của con người, nó vượt lên trên tất cả những thứ nằm trong và ngoài nó. Đó là lý do tại sao giáo hội Công giáo đã thừa hưởng truyền thống này; khác với Chính thống giáo, Nó được đặc trưng bởi sự sáng tạo của chủ nghĩa duy lý bên trên tục truyền, bởi sự sáng tạo của lý tính bên ngoài.   

            Khác với Công giáo, Chính thống giáo không hề được liên kết với những di sản Cổ đại. Chính thống giáo trực tiếp hướng đến những suối nguồn của Kitô giáo ở một hình thức không bị biến dạng bởi sự tích lũy kinh viện sau này, có nghĩa là hướng đến học thuyết của các giáo phụ Giáo hội phương Đông, nơi mà tri thức và niềm tin được thống nhất và không mâu thuẫn nhau. Điều này liên quan tới lời kêu gọi của chính Kireyevsky hướng về các di sản giáo phụ, trong đó ông tìm kiếm con đường dẫn tới sự trọn vẹn của tinh thần, hướng tới khả năng nhìn thấy chân lý tinh thần.

            Trả lời những câu hỏi đặt ra ở trên, Kireyevsky khẳng định rằng, nước Nga phải bước đi bằng con đường riêng của mình, không nên phí sức hồi sinh những hình thức sống lỗi thời của dân tộc mình, không nên bắt chước mù quáng các nguyên tắc của phương Tây, song cũng không được tách rời khỏi di sản tinh thần chung của thế giới Kitô giáo. Theo Kireyevsky, đặc trưng của của nền văn minh châu Âu là sự thống nhất của ba khởi nguyên nêu trên (1/ Kitô giáo, 2/ Tinh thần của các dân tộc vô nhân đạo đã từng phá hủy đế chế La Mã, 3/ Những di sản của thế giới Cổ đại) đã đưa vào di sản của mình sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ thế giới Cổ đại trong việc sùng bái lý tính và đã phát triển nó trong thời Cận đại tới khi “lý tính hình thức trên đức tin” toàn thắng.

            Đây là nền văn minh của sở hữu tư nhân tuyệt đối. Cho nên, ở đây, thế lực của lòng vị kỷ đã lấn át tình đoàn kết. “Lưỡi dao phân tích” của lý tính trừu tượng đã gieo rắc vào tinh thần của người châu Âu sự chia rẽ giữa các yêu cầu của con tim, của niềm tin sâu sắc với những yêu cầu của lý tính giá lạnh. Sự thống trị của lý tính trên trực giác và niềm tin dẫn tới việc, “ngay từ đầu đã phát triển triết học kinh viện về niềm tin bên trong, sau đó là cuộc cải cách tôn giáo về niềm tin, và cuối cùng, ở giai đoạn cuối - triết học nằm ra ngoài và đối lập với niềm tin”[27]. Cho nên, Kireyevsky đã xem nền văn minh phương Tây là vô đạo, mang tính vật chất, và nó đe dọa chính nó bởi sự diệt vong tinh thần. Không giống với phương Tây, nước Nga cổ đã tiếp nhận Kitô giáo từ Byzantine. Theo Kireyevsky, sự tiếp thu và vay mượn những gì tốt nhất ở “châu Âu mới” (trước hết là khoa học và giáo dục), tất nhiên là cần thiết, nhưng không được phá hủy mối liên kết mang tính tinh thần với “thiên niên kỷ Nga” dựa trên cơ sở của Chính thống giáo. Kireyevsky đã đặt con người phương Tây vốn mang tính lý trí phiến diện, đối lập với người Nga - người đại diện cho “tinh thần tập thể” - điểm khởi đầu của tình huynh đệ và tính khiêm nhường.

            Kireyevsky trình bày những quan điểm triết học của mình chủ yếu trong các tiểu luận “Về bản chất của khai sáng Châu Âu và về mối quan hệ của nó với khai sáng Nga”[28] (1832), “Về sự cần thiết và khả năng của những khởi điểm mới cho triết học” (1856)[29]. Kireyevsky đã phát triển học thuyết về “sự toàn vẹn của tinh thần” mà ở đó, “sự toàn vẹn của tồn tại” phải được xây dựng. Khái niệm cơ bản trong triết học của ông là khái niệm sự toàn vẹn của tinh thần. Khái niệm này được xem xét như “một trung tâm của những sức mạnh trí não, nơi mà tất cả các hoạt động riêng lẻ của tinh thần được hòa trộn vào trong một thể thống nhất toàn vẹn và đầy sinh lực”[30]. Theo Kireyevsky, tư tưởng về sự toàn vẹn của tinh thần giúp quay trở lại với truyền thống giáo phụ vốn dựa trên tính ổn định của tục truyền và đối lập với sự tản mạn của phương Tây, - sự tản mạn dựa trên những quan niệm khác nhau, chứ không phải trên những thuyết phục; trên lý trí mang tính hình thức, chứ không phải trên niềm tin.

            Cần lưu ý rằng, Kireyevsky không hề phủ nhận lý tính như một phương tiện nhận thức thế giới, ông chỉ chống lại sự trấn áp của lý tính trừu tượng đối với niềm tin. Lý tính không có quyền thay thế các khát vọng cao hơn của niềm tin trong việc khám phá chân lý thần thánh, mà nó phải hướng tới việc nâng cao chính nó, tức là cố gắng kết hợp thành một khối tất cả những khả năng của nó - logic, thẩm mỹ, đạo đức - không chống lại niềm tin, mà bổ sung cho niềm tin. Một cách hiểu như thế đã được xác lập dựa quan điểm chung của Kireyevsky về đối tượng của triết học: “triết học không phải là một trong các khoa học, triết học không phải là niềm tin. Triết học là một sự tổng quát chung, một cơ sở chung của tất cả các khoa học, triết học là người dẫn đường giữa tư tưởng và niềm tin”[31]. Kireyevsky cũng đã đề xuất khái niệm “tư duy tín ngưỡng” nhằm tìm kiếm “sự tập trung bên trong của tồn tại người”, - tồn tại mà ở đó có sự thống nhất của lý trí, ý chí, cảm xúc và lương tri.

4.2. Aleksey Khomyakov[32](1804 - 1860)

            Khomyakov[33] là người kế tục trực tiếp của Kireyevsky và được xem là một lãnh tụ của chủ nghĩa Slavơ. Bản phác thảo của ông mang tên “Về cái cũ và cái mới”[34] (1839) được xem là điểm khởi đầu cho Chủ nghĩa Slavơ, vì đã đưa ra hàng loạt vấn đề trọng yếu của chủ nghĩa Slavơ, trong đó có vấn đề mối quan hệ của nước Nga với phương Tây, có sự đánh giá các cuộc cải cách của Peter đại đế như một bước ngoặc trong lịch sử Nga, vấn đề vai trò của tôn giáo trong lịch sử nói chung và vai trò của Chính thống giáo trong lịch sử Nga nói riêng. Khomyakov đã bảo vệ “quan điểm hữu cơ” khi xem xét sự phát triển của xã hội và cho rằng nền tảng của tưởng đó là  sự tự phát triển, tự thân vận động. Khomyakov viết: “Một khi xã hội phải tìm kiếm từ bên ngoài sức mạnh để bảo tồn, thì nó đã thực sự ốm yếu”[35].

            Lịch sử Nga không phải hoàn hảo hết và không bị khủng hoảng, ngược lại nó phức tạp và bi tráng. Tuy nhiên, sự phát triển của nó, sự khắc phục tình trạng ốm yếu không thể được thực hiện bởi bên ngoài, bởi những thứ nằm bên ngoài giới hạn, ngoài sức mạnh của nó. Theo Khomyakov, Chính thống giáo chính là điều kiện căn bản để bảo vệ sức sống Nga. Tuy nhiên, chính ông cũng không ít lần phê phán giáo hội Chính thống giáo đang tồn tại ở nước Nga. Ở điểm này, Khomyakov đã trở thành nhà tư tưởng tôn giáo thế tục đầu tiên ở Nga, ông đã giải thích theo cách mới những cơ sở của giáo lý Chính thống giáo từ quan điểm triết học. Không phải ngẫu nhiênNikolai Berdyaev đã gọi Khomyakov là một “dũng sĩ của nhà thờ”, dù Khomyakov là nhà thần học Nga độc lập đầu tiên. Nhưng lần đầu tiên, một gương mặt thế tục đã cả gan viết về niềm tin và đời sống giáo hội. Sự kiểm duyệt tư tưởng đã cấm xuất bản các tác phẩm thần học của ông ở trong nước nên chúng phải xuất bản ở nước ngoài bằng tiếng Pháp. Chỉ từ cuối thế kỷ XIX, khi nền triết học tôn giáo Nga được hình thành, thì những di sản của Khomyakov mới được nghiên cứu thấu đáo. Toàn tập đầy đủ các tác phẩm của ông chỉ được xuất bản ở nước Nga từ năm 1900.

            Những nhà Slavơ đã nói về nước Nga như nói về một hình thái đặc biệt của văn hóa, phân biệt với hình thái Tây Âu. Cách phân loại của họ đã trở thành cách phân loại các hình thái tinh thần, chứ không trở thành phép phân tích lịch sử Nga. Tương tự như tư tưởng hữu cơ của các nhà lãng mạn Đức, các nhà Slavơ đã hướng tới một nhận thức mang tính hữu cơ về lịch sử và họ coi trọng các truyền thống dân tộc. Nikolai Berdyaev đã gọi học thuyết của họ là học thuyết “hữu cơ - gia trưởng” nhằm xây dựng xã hội dựa trên các hình thái quan hệ gia đình. Họ đã nhận thấy công xã Nga là cơ sở kinh tế của nước Nga và sự đảm bảo cho tính đa dạng của nó, nhưng họ lại gán công xã một giá trị bất biến. “Thế giới” nông dân là một thiết chế xã hội lý tưởng của các nhà Slavơ. “Sự không tưởng mang tính hồi khứ” - theo cách diễn đạt của Chaadaev - của thiết chế xã hội được thiết lập từ Сhính thống giáo lý tưởng, từ nền chuyên chế lý tưởng và tính dân tộc lý tưởng, các nhà Slavơ đã phủ nhận thực tiễn không chấp nhận được của Nicolai I. Khomyakov luôn nói về Chính thống giáo lý tưởng và đặt nó đối lập với Công giáo hiện thực. Tính toàn vẹn và hữu cơ của nước Nga trước thời Peter đại đế đã được đặt đối lập với tính hai mặt của văn hóa châu Âu, ở đó tất cả được “cơ giới hóa” và “duy lý hóa”. Tất cả các nhà Slavơ đều cho rằng, mọi thứ trong đời sống của con người phải được tạo nên không phải trên sự đảm bảo mang tính pháp lý, quy phạm pháp luật, mà phải bằng niềm tin và tình yêu tự do.    

            Cơ sở cho học thuyết triết học - tôn giáo của Khomyakov là khái niệm “Tính công đồng” về sau đã được rất nhiều nhà triết học tôn giáo Nga sử dụng, và khái niệm này đã đi vào các ngôn ngữ phương Tây mà không cần dịch với từ Sobornost. Nó có nghĩa là sự thống nhất mang tính tự do của con người, dựa trên cơ sở tình yêu Kitô giáo và định hướng vào việc tìm kiếm con đường đi cùng nhau, con đường của tập thể hướng đến sự cứu rỗi, “tính công đồng” còn được đối lập với trật tự thứ bậc cứng nhắc của nhà thờ. Theo Khomyakov, “tính công đồng” là một sự lý tưởng hoá của nhà thờ, cho đến nay vẫn chưa ở đâu trong thế giới Kitô giáo điều này được hiện thực hóa, mặc dù dân tộc Nga, dân tộc Chính thống giáo, trong đức tin của mình, tiến gần đến lý tưởng này nhiều hơn. “Tính công đồng” được Khomyakov định nghĩa giống như “một sự thống nhất trong đa dạng”[36], hơn nữa sự kết hợp của hai khởi nguyên - thống nhất và tự do - đã được bảo toàn trong một hình thức tinh thần và chỉ có thể có trong Kitô giáo Chính thống giáo, cùng lúc đó, nhà thờ Công giáo biểu hiện sự thống nhất loại trừ tự do, còn Tin lành giáo thể hiện sự tự do loại trừ sự thống nhất, bênh vực cho các nguyên tắc của niềm tin cá nhân hóa, nhấn mạnh tư tưởng cứu rỗi cá nhân, chứ không phải cứu rỗi cộng đồng. Theo Khomyakov, mỗi người tìm thấy chính mình trong nhà thờ, nhưng không phải tìm thấy “trong sự yếu ớt bởi sự cô độc của chính mình”, mà trong sự thống nhất tinh thần, tình huynh đệ với Đấng cứu thế.

            “Tính công đồng” và chủ nghĩa cá nhân - là hai cực đối lập nhau, khái niệm đầu giả định tính toàn vẹn của tinh thần con người, khái niệm thứ hai - là sự phân mảnh của nó. Để mang “tính công đồng”, xã hội phải tái sinh những bản tính của Giáo hội Kitô giáo nguyên thủy. Nếu tập thể người được hình thành chỉ dựa trên cơ sở thống nhất của các lợi ích vật chất, thì đó chỉ là một sự liên hiệp. Chế độ Slavơ cổ đại sở hữu một sức mạnh thống nhất đạo đức của con người, nó được bảo vệ trong công xã Nga - một hình thái vật chất của tính công đồng. Và Chính thống giáo Nga là một hình thức tín ngưỡng Kitô giáo mà trong thực tiễn đời sống của nó đã giữ gìn được tinh thần của tính công đồng. Việc gìn giữ đời sống gia trưởng cổ trong sự thống nhất với chủ quyền nhà nước thống nhất đã nêu bật những khả năng tiềm tàng của tinh thần Nga trong mối quan hệ với tinh thần châu Âu, trao sự sống cho Kitô giáo trong một hợp đề cuối cùng của nó.

            Trong thực tế lịch sử, theo Khomyakov, tinh thần con người bị tách đôi ra, nó là sự gắn kết biện chứng của hai khởi nguyên cơ bản: tự do và tất yếu. Học thuyết về tự do và tất yếu đã được thể hiện trong tác phẩm chính của Khomyakov “Những bút ký về lịch sử thế giới”. Tự do và tất yếu là hai nguyên tắc tinh thần mang tính tượng trưng, liên kết và đấu tranh lẫn nhau, theo Khomyakov, nó tạo thành nội dung của lịch sử thế giới. Vũ đài của nó là số phận của toàn thể nhân loại, chứ không phải là số phận của các dân tộc riêng rẽ. Chừng nào trong lịch sử, có nhiều dân tộc khác nhau cùng tồn tại, thì chừng đó trong lịch sử không chỉ còn chỗ cho Đấng tối cao, mà chỉ còn chỗ cho ý chí tự do. Khomyakov chứng minh rằng dân tộc Nga sở hữu những khả năng to lớn cho sự phát triển lịch sử tự do, dân tộc Nga có những gốc rễ tinh thần sâu sắc, không hướng tới sự bá quyền chính trị, hay các cuộc chiến tranh xâm chiếm... Ông cho rằng, nước Nga Chính thống giáo đã gần đạt tới sự toàn vẹn của tinh thần và đời sống, mặc dù “sự phát triển hữu cơ” của nó được thực hiện một cách chậm chạp. Sự tăng tốc của nước Nga có thể thực hiện được bằng cách sử dụng khoa học và giáo dục phương Tây, nhưng phải áp dụng nó một cách có ý thức, hoàn toàn thông thạo và mang tính phê phán.

            Trong phân kỳ của lịch sử thế giới, Khomyakov đã chú ý hơn đến tình huynh đệ như cuội nguồn và mục đích của lịch sử. “Sự nguyền rủa” bất hạnh đối với “tuổi thơ thần thánh và sáng láng” của lịch sử đã trở thành sự phân ly ép buộc con người quên đi sự thống nhất trước đó. Khomyakov mong chờ vào tiến trình cải cách văn hóa Chính thống giáo trong phạm vi toàn thế giới để giải phóng con người khỏi sự phát triển dối trá và phiến diện do tiếp nhận từ Tây Âu. Theo Khomyakov, ngoại trừ nước Nga, không một quốc gia nào có khả năng dẫn đầu tiến trình thống nhất “tính công đồng” và đoàn kết nhân loại bằng con đường tinh thần - hữu cơ. Tuy nhiên, bản thân nước Nga cũng phải được gột rửa khỏi những điều xấu xa: gột rửa khỏi những thứ đen tối tại các toà án, khỏi chế độ nông nô, khỏi sự sùng bái phương Tây. Khomyakov phân kỳ lịch sử nước Nga thành: giai đoạn Kiev, giai đoạn bị thống trị bởi Mông Cổ tácta, giai đoạn Moscow và giai đoạn Peter (hay còn gọi là giai đoạn Petersburg).

            Sau Khomyakov và Kireyevsky, Yuri Samarin và Konstantin Aksakov cũng đã chú ý các vấn đề đặc thù của lịch sử và văn hóa Nga, vấn đề tự ý thức dân tộc, vấn đề tuyên truyền những cơ sở đặc thù của đời sống nước Nga.

             4. Kết luận

            Với mục đích chính là đánh thức sự tự nhận thức dân tộc, các nhà Slavơ kêu gọi sự đồng cảm và lắng nghe của xã hội Nga hướng tới sự thông hiểu các di sản dân tộc của nước Nga Moscow, của nước Nga Kiev và của thế giới Slavơ. Chủ nghĩa Slavơ trong ý nghĩa này, theo cách diễn đạt của Yuri Samarin, đã trở thành “một lối tư duy” và đã được ủng hộ từ phía các nhà triết học, các nhà văn, các nhà nghiên cứu dân gian, các nhà lịch sử, các nhà nghiên cứu Slavơ như Nikolai Yazykov, Pyotr Vyazemsky, Alexander Hilferding, Gilyarov-Platonov, Dmitry Valuev[37], Yuriy Venelin[38]... Có thể nhận thấy rõ sự ảnh hưởng mạnh mẽ của triết học này lên quan điểm của Dostoevsky, Grigoriev, Nikolai Strakhov, Danilevsky và Leontiev, hệ thống của Vladimir Solvyov, cấu trúc triết học của Bulgakov, Frank, Berdyaev…[39]

Tài liệu tham khảo

            1.Lê Thị Tuyết, Mai K Đa, Dương Quốc Quân (2012), Lược sử triết học Nga từ khởi nguồn tới cuối thế kỷ XVIII, t/c Triết học, số 10 (257) năm 2012, tr 77-86

            2. Mai K Đa, Dương Quốc Quân (2013), Chaadaev - Nhà triết học lịch sử Nga nửa đầu thế kỷ XIX, Tạp chí Giáo dục Lý luận, số 194 (3/2013), trang 74-77

            3. Философия: Учебник для вузов / Под общ. ред. В.В. Миронова. — М.: Норма, 2005

            4. М.А. Маслин. Русская философия: Словарь. Изд «Республика». Москва. 1999

 



[1]Chaadaev (Tên tiếng Nga: П. Я. Чаадаев) (1794 - 1856)
[2] Nikolai Chernyshevsky (Tên tiếng Nga: Н.Г. Чернышевский) (1828-1889)
[3] tiếng Nga: «философское пробуждение»
[4] Georges Florovsky - Tên tiếng Nga: Гео́ргий Васи́льевич Флоро́вский (1893-1979): Một linh mục Chính thống giáo Nga, nhà tư tưởng tôn giáo, nhà thần học, nhà triết học, nhà sử học, nhà lãnh đạo của phong trào đại kết và là một trong những người sáng lập của Hội đồng Thế giới của các Giáo Hội.
[5]tiếng Nga: Общество любомудрия
[6] Cuộc đảo chính diễn ra tại Saint-Petersburg, thủ đô của Đế chế Nga vào ngày 14 tháng 12 năm 1825 của những người tháng Chạp.
[7] Ý nói tầng lớp trí thức
[8] Нижников С.А. Философия: Учебник. Издатель ИНФРА-М. 2013
[9] Маслин М.А. Русская философия: Словарь. Москва, «Респулика», 1995, стр. 447
[10] Mikhail Yuryevich Lermontov (tiếng Nga: Михаи́л Ю́рьевич Ле́рмонтов, 15 tháng 10, 1814 – 27 tháng 7, 1841) – nhà thơ, nhà văn Nga. Là nhà thơ lớn của Nga sau Aleksandr Pushkin.
[11]Nikolai Gogol (tiếng Ukraina: Микола Васильович Гоголь, tiếng Nga: Николай Васильевич Гоголь, tiếng Ba Lan: Nikołaj Wasiljewicz Gogol; 1 tháng 4 năm 1809 – 4 tháng 3 năm 1852) là một nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng Nga và Ukraina. Tác phẩm tiêu biểu nhất của ông Những linh hồn chết, được xem là cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của văn học Nga và Ukraina.
[12]Aleksey Khomyakov – tên tiếng Nga: А.С. Хомяков
[13]Ivan Kireyevsky – tên tiếng Nga: И.В. Киреевский
[14]Yuri Samarin – tên tiếng Nga: Ю.Ф. Самарин
[15]Anh em nhà Aksakov – tên tiếng Nga: К.С. và И.С. Аксаков
[16]Alexander Koshelev - tên tiếng Nga: Александр Иванович Кошелёв (1806-1883): một nhà chính luận, nhà hoạt động xã hội  nổi tiếng, một nhà Slavơ.
[17]Konstantin Aksakov – tên tiếng Nga: К.С. Аксаков
[18] Хомяков А.С. Полн. собр. соч.: В 8 т. М., 1900-1904. Т. 3. С. 240-241. 
[19]tiếng Nga: «Практическая жизнь
[20]tiếng Nga: «отвлеченное содержание»
[21] Xem: М.А. Маслин. Русская философия: Словарь. Изд «Республика». Москва. 1999. Стр. 448
[22] “Tính công đồng” (Tiếng Nga Соборность, bắt nguồn từ chữ Собор có nghĩa là nhà thờ) - Một khái niệm tương đối đặc trưng của triết học tôn giáo Nga, sau này được rất nhiều nhà triết học tôn giáo Nga sử dụng và phát triển. Khái niệm này sẽ được trình bày và phân tích cụ thể trong các mục tiếp theo. Bản thân từ “Соборность” khi được dịch sang tiếng Anh thành “Sobornoct”. Tức bản thân nó là một khái niệm riêng, đặc biệt của triết học Nga.
[23]Kireyevsky – tên tiếng Nga: Киреевский
[24] Киреевский И.В. Критика и эстетика. M., 1979, стр296
[25] Ivan Kireyevsky (tên tiếng Nga: И.В. Киреевский)
[26]tiếng Nga: «В ответ Хомякову»
[27] Г.П. Ковалева. История русской философии. Учебное пособие для студентов вузов. Кемерово. 2006. Стр. 26
[28](tiếng Nga: «О характере просвещения Европы и о его отношении к просвещению России»
[29](tiếng Nga: «О необходимости и возможности новых начал для философии»).
[30] Xem: Философия: Учебник для вузов / Под общ. ред. В. В. Миронова. — М.: Норма, 2005, стр. 375
[31] Киреевский И.В. Полн. собр. соч. М., 1911. Т. 1. С. 252. 
[32]Aleksey Khomyakov (tên tiếng Nga: Хомяков Алексей Степанович)
[33] Xem М.А. Маслин. Русская философия: Словарь. Изд «Республика». Москва. 1995. Стр. 595
[34]tiếng Nga: «О старом и новом»
[35] Trích theo Философия: Учебник для вузов / Под общ. ред. В.В. Миронова. — М.: Норма, 2005, стр. 372
[36] Хомяков А.С. Соч.: В 2 т. М., 1994. Т. 2. С. 242. 
[37]Dmitry Valuev - tiếng Nga: Дмитрий Александрович Валуев (1820-1845) là một trong những đại biểu của trường phái Slavơ.
[38]Yuriy Venelin - tiếng Nga: Юрий Иванович Венелин (1802-1839) là nhà sử học Nga và Bulgaria, nhà chính luận, một trong những người sáng lập của Slavơ học, nhà hoạt động của phong trào phục hồi dân tộc Slavơ.
[39] Bulgakov, Frank, Berdyaev - tiếng Nga: С.Н. Булгаков, С.Л. Франк, Н.А. Бердяев...


Nguồn: Mai K Đa (2016), Vài nét về chủ nghĩa Xlavơ, trong "Nghiên cứu triết học ở Việt Nam - Những vấn đề lý luận", Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, trang 62-87.

Type and hit Enter to search

Close