Blog

Sự xảo quyệt của lý trí (Хитрость разума) - Mai K Đa dịch

Sự xảo quyệt của lý trí
Хитрость разума
Mai K Đa dịch từ tiếng Nga

Theo Hegel, chân lý của tồn tại đã có trong thế giới ngay từ đầu, nhưng dưới hình thức không rõ ràng, tựa như một dự án vẫn chưa được hiện thực hóa, dự án mà trong trò chơi biện chứng đối tượng hóa và giải đối tượng hóa, nó sẽ dần dần được hiện thực hóa và nhờ vào sự hiện thực hóa này, nó sẽ được nhận thức.

Trong trường hợp này, thế giới đối tượng được hiểu như là một sản phẩm thứ yếu (phụ) của (sự) tự phát triển của nhận thức, giống như một tạo tác (giả tượng) chỉ cần thiết khi mà nhìn chăm chú vào nó, Tinh thần Thế giới sẽ hoàn toàn nắm lấy được nội dung của chính nó. Trong hệ thống biện chứng của Hegel, tự nhiên và lịch sử bị tước mất những giá trị riêng và bị biến thành một phương tiện, thành tấm gương của tinh thần, ở đó không có một cái gì mà không được phản ánh trong hình ảnh của ý niệm tuyệt đối.

Nhưng đối với chúng ta, giống như Alice trong chính tấm gương, những hình ảnh này là hiện thực khách quan thực sự duy nhất. Và chúng ta sống trong nó, trải qua đau khổ và niềm vui, thất vọng và thích thú, chúng ta cố gắng nhận thức và thay đổi hiện thực này và tin rằng chúng ta đang giải quyết các vấn đề của chính mình.

Chân lý nằm ở chỗ, toàn bộ hoạt động của chúng ta trong thế giới đối tượng (giống như chính thế giới nói chung) không khác gì khả năng hiện thực hóa của hoạt động nhận thức của Tinh thần Thế giới, tinh thần mà hoàn toàn thờ ơ với thế giới đối tượng (trong đó có chúng ta). Nó không quan tâm đến những bất tiện mà chúng ta đang trải qua, bởi vì, nhiệm vụ chính của nó không phải là cải tạo thế giới đối tượng, mà là nhận thức nội dung bên trong của nó. Và sự tồn tại của chúng ta chỉ cần thiết trong chừng mực mà bằng hoạt động của mình, chúng ta giúp chuyển dịch nội dung này từ dạng kín sang dạng mở.

Vì vậy, trong thực tiễn lịch sử của mình, con người theo đuổi không phải những mục đích của chính mình, mà là những mục đích xa lạ, đóng vai trò như một vật liệu thử nghiệm, một công cụ mà lý trí phổ quát sử dụng để làm sáng rõ những nội dung của chính nó. “Sự xảo quyệt của lý trí” thể hiện ở chỗ, khi tiến hành thử nghiệm, nó cho phép các đối tượng (kể cả con người) tác động lẫn nhau và trở nên kiệt quệ trong chính sự tương tác này, tuy vậy, nó theo đuổi những mục đích riêng của nó, và trong cuộc thử nghiệm này, lý trí thế giới có quyền lãng phí và tàn nhẫn.

Trong chừng mực nào đó, theo Hegel, tồn tại đồng nhất với tư duy, nó sở hữu một bản chất logic và sự phát triển của nó phụ thuộc vào các nguyên tắc phổ quát của logic học. Mỗi một trạng thái mới của nó là một hệ quả logic của cái trước đó, có nghĩa là nó xuất hiện một cách hợp logic, và do đó, nó là tất yếu. Cho nên, hiện thực trong toàn bộ những biểu hiện của nó hiện ra với tư cách là cái tất yếu. Tuy nhiên, để có được tính cân đối về mặt logic, thế giới của Hegel trở nên phi nhân tính. Điều này, nói một cách nghiêm túc, thế giới của cái cần thiết và cái phổ quát, thế giới của các quá trình toàn cầu và phong trào đại chúng, thế giới “của các đường phát triển chính”, trong chúng những đau khổ và mối quan tâm của con người cá nhân bị đánh mất và trông có vẻ nhỏ và không đáng kể. Tinh thần thế giới sử dụng con người và toàn bộ các dân tộc cho những mục đích của nó, không hạn chế phí tổn, vì rằng, như Hegel nói, để cho quá trình tự phát triển của tinh thần, “nguyên liệu con người là đủ”.

Type and hit Enter to search

Close