Jorge Ángel Livraga Rizzi là một nhà thơ, tiểu thuyết gia, triết gia tự học, nhà tiểu luận, nhà giáo dục và giảng viên người Ý nổi tiếng vì đã thành lập và chỉ đạo New Acropolis, một tổ chức văn hóa và giáo dục triết học quốc tế.
Câu hỏi: Ngài có thể phác thảo ngắn gọn những ý tưởng của mình về triết học không?
Jorge Ángel Livraga Rizzi: Người ta thường chấp nhận rằng triết học là một phát minh của người Hy Lạp. Nhưng từ “triết học” có nghĩa là “tình yêu trí tuệ” hay “khao khát trí tuệ” và tôi tin rằng triết học với tư cách là niềm khao khát trí tuệ đã ra đời cùng với nhân loại. Con người luôn tìm kiếm sự thật, cố gắng hiểu bản chất của sự vật. Và vì vậy, khi nói triết học, tôi muốn nói đến xu hướng tự nhiên của con người là tìm kiếm điều gì đó cơ bản, những yếu tố cần thiết cho sự tồn tại của con người với tư cách là một sinh vật có tư duy và là một sinh vật - một phần của Vũ trụ.
Câu hỏi: Nhưng việc tìm kiếm như vậy cũng bao gồm các lĩnh vực hoạt động khác của con người, chứ không chỉ những gì ngày nay được hiểu là triết học. Lẽ nào, một nhà khoa học hay một nghệ sĩ không thể là một triết gia được sao?
Jorge Ángel Livraga Rizzi: Tất nhiên rồi. Vào thời cổ đại, triết học được hiểu là bất kỳ sự theo đuổi trí tuệ nào, bất kể việc tìm kiếm này đi theo con đường nghệ thuật, khoa học, chính trị hay văn học.
Tuy nhiên, kể từ thời Descartes, đã diễn ra sự phân chia theo các hướng khác nhau, ngày càng trở nên khác biệt. Ngày nay (về khái niệm “hôm nay” tôi không chỉ nói là năm nay mà còn cả thế kỷ của chúng ta) con người góp phần vào sự nghiền nát văn hóa. Văn hóa hiện đại được đặc trưng bởi mong muốn chuyên môn hóa, do đó con người được chia thành bác sĩ, nhà thơ, nhà văn, v.v., về bản chất, tất cả đều có thể là triết gia.
Câu hỏi: Tôi cho rằng quan điểm triết học của ngài dựa trên một số nguồn khác ngoài kinh điển?
Jorge Ángel Livraga Rizzi: Đối với tôi, nguồn chính là triết học cổ điển. Tôi nghĩ rằng các triết gia sau này chỉ khám phá lại những phương pháp cổ xưa và áp dụng chúng. Bằng cách này, tôi không hề muốn làm giảm giá trị của những nhà tư tưởng luôn giải quyết những vấn đề giống nhau. Nhưng tôi vẫn tin rằng không có gì mới dưới ánh mặt trời. Theo niềm tin triết học của tôi, vấn đề là tìm kiếm các cội nguồn. Khi vùng vẫy trong các lĩnh vực ngoại vi của triết học, chúng ta chỉ làm vấy bẩn vùng nước và giờ đây chúng ta phải tìm kiếm nguồn gốc, cội rễ của nó trong chiều sâu lịch sử. Chúng có thể được tìm thấy trong các văn bản cổ của phương Đông hoặc trong các chuyên luận cổ điển của phương Tây.
Câu hỏi: Ngày nay triết gia hiện ra như một người xa rời thực tế. Tôi muốn biết ý kiến của ngài, với tư cách là một triết gia, về thế giới xung quanh?
Jorge Ángel Livraga Rizzi: Tôi không nghĩ rằng một triết gia nên tách mình ra khỏi thực tế; nếu anh ta thực sự tìm kiếm sự thật, hiện thực thực sự, thì trước hết anh ta phải tương tác với thực tế xung quanh mình. Và tôi không nghĩ rằng một triết gia nên rút lui khỏi thế giới; trái lại, anh ta phải chịu trách nhiệm với lịch sử và thời đại mà anh ta đang sống.
Ví dụ, Plato đối với chúng ta là một nhân vật cổ điển, theo một nghĩa nào đó là trừu tượng. Nhưng chắc chắn Plato, Aristotle và Seneca đã sống ở thời đại của họ. Và mặc dù họ là những hiện tượng đặc biệt trong thời đại của họ, nhưng họ vẫn hiểu rất rõ về thời đại của họ. Tôi nghĩ rằng một triết gia hiện đại cũng không nên hoàn toàn rút lui khỏi thế giới, vì anh ta cần cố gắng hiểu và giải thích thế giới này. Nhưng không phải để biện minh cho tình trạng hiện tại mà để cải thiện nó.
Theo tôi, hiện tại là một mắt xích trong một sợi dây rất dài đi từ quá khứ đến tương lai... Một triết gia nên cố gắng nắm giữ toàn bộ sợi dây chứ không chỉ khoảnh khắc lịch sử đã được trao cho mình bởi số phận. Tuy nhiên, khi nói điều này, tôi không hề muốn nói rằng anh ta nên bỏ bê thời gian mình đang sống. Tôi tin rằng, triết gia quan tâm đến mọi vấn đề của con người, dù là vấn đề tinh thần hay vật chất, kinh tế hay xã hội, chính trị hay bất kỳ vấn đề nào khác...
Câu hỏi: Những quan điểm mà ngài vừa nêu ra có vẻ hơi lãng mạn. Liệu có thể thực hiện những ý tưởng này trong thực tế? Ngài đi khắp nơi và ngài có nghĩ rằng, điều này có thể xảy ra ở đâu đó trên thế giới không?
Jorge Ángel Livraga Rizzi: Tất nhiên rồi. Chúng tôi đã thành lập một tổ chức quốc tế có tên là “New Acropolis”, nơi chúng tôi đang cố gắng thực hiện tất cả những ý tưởng này - như một thử nghiệm, mặc dù người của chúng tôi không nhiều. Phong trào này được thành lập ở Buenos Aires gần hai mươi năm trước. Nó hiện có mặt ở 11 quốc gia* và sẽ sớm có mặt ở nhiều quốc gia khác; nó đã tiếp cận được hàng nghìn người. Tôi thực sự tin tưởng rằng những ý tưởng này có thể được áp dụng vào thực tế.
Thế giới nơi chúng ta lớn lên đang sụp đổ: thiếu các giá trị đạo đức, con người mất phương hướng, giới trẻ chống đối thế hệ đi trước, đấu tranh giai cấp nảy sinh, các đảng chính trị đối đầu nhau. Tôi tin rằng “New Acropolis”, với tư cách là một phong trào đoàn kết mọi người, tạo ra mối quan hệ thân thiện, tình anh em với nhau, có thể góp phần phát triển một thế giới mới và tốt đẹp hơn dưới ánh sáng của một triết lý toàn diện. Đây là một triết lý không chỉ đơn giản phân tích các hiện tượng mà tổng hợp một hệ thống giá trị để giúp con người trở nên tốt hơn.
Câu hỏi: Thưa giáo sư, “New Acropolis” được tạo ra như thế nào? Chúng ta đã biết rằng nó có nguồn gốc từ Argentina, nhưng nó đã xảy ra như thế nào và phong trào này đã phát triển như thế nào?
Jorge Ángel Livraga Rizzi: Tôi nghĩ rằng sự xuất hiện của “New Acropolis” là nhu cầu của thời đại, một nhu cầu tiềm ẩn trong bất kỳ ai, giống như tôi, đã theo học tại trường đại học hai mươi năm trước. Tôi nhận ra nhu cầu này khi nhìn thấy các trường đại học cung cấp thông tin nhưng không giúp hình thành thế giới quan. Mặc dù các tác phẩm kinh điển được xem xét vào thời điểm đó, nhưng luôn quá hẹp. Triết học phương Đông hoàn toàn bị bỏ qua, quyền nghiên cứu nó được trao cho những người không có trình độ đại học. Người ta tin rằng lịch sử là một gánh nặng mà nếu có thể thì cần phải vứt bỏ và lãng quên càng sớm càng tốt. Ngược lại, đối với chúng ta, lịch sử là bệ đỡ cho bức tượng tương lai.
Tất cả điều này dẫn đến việc chúng tôi, một số sinh viên trẻ, đã quyết định thành lập “New Acropolis”. Một tạp chí bắt đầu được xuất bản, ngày càng có nhiều người bắt đầu tụ tập và một chương trình đào tạo được phát triển.
Sau đó chúng tôi gây dựng ở các nước khác và bắt đầu đi du lịch vòng quanh thế giới. Điều này giúp thu thập văn bản, tiếp thu kiến thức và thiết lập mối liên hệ với các trung tâm trí tuệ. Chúng tôi du hành đến phương Đông, tới Ấn Độ, để tìm kiếm các văn bản thiêng liêng cổ xưa, thực hiện các bản dịch và chuyển thể chúng cho các thành viên trẻ của “New Acropolis”. Về phần tôi, tôi đã cống hiến hết mình cho Châu Âu và tham gia vào việc phục hưng các truyền thống thời Trung cổ, chẳng hạn như khái niệm về danh dự của Quý bà và Hiệp sĩ, - xét cho cùng, theo quan điểm của chúng tôi, thế giới đang suy tàn và bạo lực này một lần nữa đòi hỏi tính cấp bách của việc giáo dục triết học cho giới trẻ, và trong tương lai, tất nhiên, và của toàn thể nhân loại, nhằm lấy lại những giá trị đạo đức, điều sẽ ngăn chặn bạo lực.
Câu hỏi: Phong trào này có đưa ra một lối sống cụ thể cho những người tham gia không?
Jorge Ángel Livraga Rizzi: Bản thân phong trào tôn trọng mọi người, vì một trong những sai lầm của nhiều nhà tư tưởng, đặc biệt là các nhà tư tưởng phương Tây, là họ muốn thiết lập những công thức sống cứng nhắc cho mọi người. Thế giới hiện đại đã quá quen với việc phân loại và điều chỉnh mọi thứ nên nó gây ra điều này đối với con người và lối sống của họ.
Chúng tôi chỉ đơn giản đề xuất việc tìm kiếm những giá trị lâu dài, ưu tiên ý chí hơn sự yếu đuối, làm việc hơn sự lười biếng và trách nhiệm hơn sự mưu toan ở trong bóng tối - đây là những ý tưởng chính của chúng tôi.
Câu hỏi: Còn khoa học thì sao? Vị trí của nó trong lý tưởng “New Acropolis” là gì?
Jorge Ángel Livraga Rizzi: Chúng ta biết rằng khoa học dựa trên các thí nghiệm nhằm khám phá các quy luật chung của tự nhiên chi phối giới vật chất. Ngày nay vấn đề được đặt ra là: “Sự kiện X xảy ra như thế nào?”; chúng tôi cũng đặt ra một câu hỏi khác: “Tại sao sự kiện X lại xảy ra?”
Chẳng hạn, nếu chỉ biết và phân loại các sinh vật sống hoặc mô của một số cơ quan là chưa đủ, bạn còn cần đặt câu hỏi “tại sao” và “để làm gì”. Nhu cầu vũ trụ cho tổ chức sinh học là gì? Tại sao sinh vật lại tồn tại? Tại thời điểm này, triết học và khoa học gặp nhau, trở thành một công cụ khác trong việc tìm kiếm kiến thức.
Chúng tôi tin rằng khoa học sẽ đóng một vai trò tích cực. Ai cũng biết rằng hiện nay chi tiêu cho vũ khí và tuyên truyền quân sự vượt xa chi tiêu cho nghiên cứu thuốc y tế, giải quyết các vấn đề xã hội, v.v. Nếu một nhà khoa học được giác ngộ trong lĩnh vực triết học siêu nghiệm, người đó sẽ cố gắng tìm ra thước đo đúng đắn và làm việc nhiều hơn vì lợi ích của nhân loại.
Câu hỏi: Ông có thể nói gì về nghệ thuật, thưa giáo sư?
Jorge Ángel Livraga Rizzi: Về nghệ thuật, nó cũng có những vấn đề tương tự. Ngày nay, nghệ thuật — như hội họa, âm nhạc hay các hình thức khác — được hiểu chủ yếu là sự thể hiện cảm xúc cá nhân. Tuy nhiên, những gì chúng ta cảm nhận không phải lúc nào cũng chân thật và thuần khiết. Thường thì cảm xúc của chúng ta mâu thuẫn và thay đổi thậm chí suốt cả ngày. Chúng ta phải quay trở lại với những quy tắc của khoa học và nghệ thuật, điều có thể giúp chúng ta gặp được triết học. Chính xác hơn, nghệ thuật phải quay trở lại những con đường vĩnh cửu điều mà nghệ thuật Trung Quốc và Nhật Bản chưa bao giờ chệch hướng.
Kỹ thuật biểu diễn nên được xem xét trong nghệ thuật như một phương tiện thể hiện ý nghĩa - triết học, tôn giáo hoặc đạo đức. Bạn cần vẽ không phải vì bạn muốn mà vì nhu cầu tinh thần đối với nó. Bạn cần vẽ một cái gì đó mang một thông điệp có thể hiểu được. Suy cho cùng, ngày nay thường có những tác phẩm mỹ thuật chỉ một nhóm nhỏ người đồng tu mới hiểu được hoặc đơn giản là gây tranh cãi và nảy sinh nhiều ý kiến. Nhưng trong trường hợp này, chúng ta sẽ không cần nghệ thuật, vì việc chiêm ngưỡng thiên nhiên đơn giản có thể truyền cảm hứng cho con người làm những điều đẹp đẽ hơn là những “tác phẩm” giả nghệ thuật này.
Câu hỏi: Thưa giáo sư Livraga, liệu trường phái “New Acropolis” có một cách tiếp cận cụ thể mới trong lĩnh vực sư phạm để có thể giúp hiện thực hóa lý tưởng của nó không?
Jorge Ángel Livraga Rizzi: Vâng, tất nhiên. Chúng tôi cho rằng, điều quan trọng là giáo dục con người chứ không phải thay đổi hệ thống xã hội. Sẽ là vô ích nếu thay đổi cơ cấu chính trị, xã hội hoặc kinh tế trong khi con người chưa được giáo dục.
Chúng ta cần một nền giáo dục mới dựa trên đạo đức chứ không chỉ dựa trên trí tuệ. Trong giáo dục, chúng tôi đề xuất lấy tấm gương về những danh nhân vĩ đại của lịch sử thế giới làm cơ sở làm kim chỉ nam. Đồng thời, chúng tôi không ủng hộ những người sùng bái bạo lực.
Ở một số nước, tôi đã thấy cách tiếp cận sư phạm đề cao những cuộc cách mạng và những nhà cách mạng - những người đã dành cả cuộc đời mình cho cuộc đấu tranh tích cực và quyết liệt. Nhưng nếu chúng ta không ngừng ủng hộ việc sùng bái bạo lực trong giới trẻ, việc sùng bái tên tội phạm trông lãng mạn và thậm chí dễ thương trên màn hình TV, nếu chúng ta coi việc bắt cóc trẻ em và phụ nữ, vi phạm các nguyên tắc pháp lý và đạo đức là chuẩn mực, thì chúng ta sẽ sẽ không bao giờ xây dựng được một thế giới tốt đẹp hơn, nhưng một lần nữa Chúng ta hãy quay trở lại “luật rừng”, khi mọi người đều phải có vũ khí để tự vệ. Điều này dẫn chúng ta đến một thời Trung cổ mới và chúng ta nên nghĩ về một viễn cảnh như vậy.
Câu hỏi: Thưa giáo sư Livraga, mọi điều ông nói đều vô cùng thú vị. Nhưng tôi muốn biết, liệu trường phái “New Acropolis” có gắn liền với bất kỳ phong trào chính trị hay tôn giáo nào không?
Jorge Ángel Livraga Rizzi: Không. Chúng tôi không yêu cầu bất cứ điều gì từ các thành viên của mình, nhưng chúng tôi tạo điều kiện thuận lợi cho họ tiếp cận với ý thức thần bí tự nhiên vốn có của con người. Tôi nghĩ rằng sự khác biệt cơ bản giữa con người và động vật không phải là con người không có đuôi hay con người có thể suy nghĩ. Chúng ta biết rằng cá heo cũng có khả năng suy nghĩ và có thể nói chuyện với nhau cũng như thể hiện bản thân. Trên thực tế, điều phân biệt con người với động vật là sự thần bí và niềm tin vào điều gì đó cao cả hơn. Nhưng niềm tin vào điều gì đó cao hơn không nhất thiết phải gắn liền với tôn giáo này hay tôn giáo khác. Chúng tôi tin rằng tất cả các tôn giáo đều là những hình thức hiệu quả để đi tới thực tại huyền bí, đến Chân lý. Đối với một số người, Thiên Chúa giáo phù hợp hơn Phật giáo, đối với những người khác, Phật giáo phù hợp hơn Bà La Môn giáo, đối với những người khác Do Thái giáo phù hợp hơn Hồi giáo. Đây chỉ là những ví dụ, tôi không có ý nói rằng tôn giáo này tốt hơn tôn giáo khác. Đúng hơn, ý tôi là, có những con đường khác nhau cho những người khác nhau, và có thể một số người không thích một tôn giáo mà thích sự kết hợp của tất cả các tôn giáo. Họ sẽ được hưởng lợi từ nghiên cứu so sánh của chúng tôi về các tôn giáo; nó giúp mọi người làm quen tốt hơn với các hình thức tôn giáo khác nhau; và điều duy nhất chúng tôi muốn đạt tới đó là là đánh thức được cội nguồn thần bí.
Về chính trị, không cần phải là một triết gia vĩ đại (bản thân tôi cũng là một triết gia rất nhỏ bé) thì mới có thể hiểu rằng không có hình thức chính trị nào trong những năm gần đây mang lại điều gì tốt đẹp. Chúng ta thấy nhiều dân tộc sống trong nghèo đói, nạn mù chữ ngày càng gia tăng, một tỷ rưỡi người ở các quốc gia khác nhau đang chết đói, và đây có thể là các nước tư bản, cộng sản hoặc thế giới thứ ba... Nói một cách dễ hiểu, mọi thứ đang sụp đổ.
Tôi nghĩ chúng ta nên bắt đầu lại và cố gắng tạo ra một chính sách không dựa trên quan điểm hay bản năng mà dựa trên khoa học, lẽ thường và sự hào phóng. Plato, trong cuốn Republic của ông, từ lâu đã đề xuất một hình thức có lẽ có thể hữu ích trong thời đại chúng ta.
Mai K Đa dịch từ tiếng Nga
Tháng 10/2023
---------------------
Từ khóa:
Triết gia Jorge Ángel Livraga Rizzi, Trường phái triết học New Acropolis
Social Footer